ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA 2016
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này
(Dặn con - Trần Nhuận
Minh, Nhà thơ và hoa cỏ)
Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt của bài thơ?
Câu 2. Chỉ ra các từ ngữ được dùng theo nghĩa
chuyển trong khổ thơ thứ nhất và giải thích ngắn gọn ý nghĩa của từ ngữ đó gắn
với ngữ cảnh trong bài thơ?
Câu 3. Tại sao tác giả lại dặn: “Con không bao giờ được hỏi/Quê
hương họ ở nơi nào”?
Câu 4. Bài thơ đã gợi cho anh chị suy nghĩ gì về
cách ứng xử của con người đối với con người? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8
Tôi đã gặp Trường Sa giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Trong cái tấp nập,
bon chen chốn thị thành vẫn đau đáu, da diết một nỗi niềm trăn trở với Trường
Sa. Người lính đảo ấy là thầy giáo dạy tôi trong học kỳ Giáo dục Quốc phòng.
Thầy đã kể cho chúng tôi về những đảo nổi, đảo chìm.
Người về từ Trường Sa, mỗi lần nhắc đến quần đảo ấy lại thấy nghèn
nghẹn, tự hào. Thầy nói rằng nhớ đảo, nhớ đồng đội, nhớ cái vị mặn mòi của biển
vô cùng. Càng nhớ lại càng thương anh em ngoài đó, không biết bữa cơm có đủ rau
xanh, có đủ nước ngọt?
Thầy nói rằng Trường Sa thuở ban đầu còn rất hoang sơ, chỉ có mênh
mông nắng gió và những cánh chim biển, cây cối trên đảo rất ít, lưa thưa bóng
dừa trên đảo Nam Yết và một vài gốc bàng vuông cổ thụ trên các đảo nổi. Trong
điều kiện khó khăn, gian khổ đến vậy nhưng các cán bộ, chiến sỹ vẫn kiên cường
bám đảo, giữ vững chủ quyền.
Trường Sa đã đổi thay rất nhiều, tất cả đều nhờ vào ý chí, quyết
tâm bảo vệ, bàn tay dựng xây của Đảng, Nhà nước, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.
Dẫu vậy, chưa bao giờ quần đảo bão tố ấy vơi bớt sóng gió, bão giông và hiểm
nguy rình rập.
Những hòn đảo giữa mênh mông biển cả, bốn phía là sóng gió bủa
vây. Nhìn hình ảnh người lính chắc tay súng đứng gác biển mà bỗng thấy lòng nao
nao. Thương làn da anh sạm đen, mái tóc đỏ quạch vì nắng cháy thiêu đốt.
"Lính biển không trắng nổi, yêu hay đừng em ơi?", yêu nhiều lắm, tại
sao lại là không?
(Trích bài dự thi tìm hiểu pháp luật về Biển,
đảo Việt Nam của Đoàn Thị Ngọc, sinh viên lớp DH12A2 khoa Thiết kế nội thất -
Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội)
Câu 5. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?
Câu 6. Cảm xúc của người trở về từ Trường Sa
được thể hiện như thế nào trong đoạn trích? Tại sao người trở về lại có cảm xúc
ấy?
Câu 7. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ trong câu
sau: "Lính biển không trắng nổi, yêu hay đừng em ơi?", yêu
nhiều lắm, tại sao lại là không?
Câu 8. Anh/ chị suy nghĩ như thế nào về trách
nhiệm của thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ
quốc? (Trình bày trong khoảng 5 đến 7 dòng)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi con
người trong cuộc sống hôm nay.
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ)
trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên.
Câu 2 (4,0 điểm)
“Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong
người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm
nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng, lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi
sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên
hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi
mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn, hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ
gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc
nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã
kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở.
Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh
tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động.
Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã
có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm
che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng.
Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho
vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để
dự phần tu sửa lại căn nhà”.
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập
hai. NXB Giáo dục, 2008, tr.30)
Cảm nhận của anh/chị về sự thay đổi của nhận vật Tràng trong đoạn
trích trên. Từ đó bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo mà nhà văn Kim Lân đã
gửi gắm trong truyện ngắn Vợ nhặt.
----HẾT----
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt là biểu cảm, nghị luận (0,25 điểm)
Câu 2: Từ được dùng với nghĩa chuyển ở khổ thơ thứ
nhất là từ “úa tàn”
Ý nghĩa: lam lũ, vất
và, rách rưởi, nghèo khổ, mệt mỏi… (0,5
điểm)
Câu 3: Vì hỏi quê quán là chạm vào nỗi đau của họ, khiến họ thêm tủi hổ,
tổn thương, … (0,25 điểm)
Câu 4: Thể hiện được suy nghĩ chân thành, sâu sắc về các ứng xử của con
người với nhau. (0,5 điểm)
Câu 5: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (0,25
điểm)
Câu 6: Cảm xúc của người trở về từ Hoàng Sa mỗi lần nhắc đến quần đảo ấy
lại thấy nghèn nghẹn, tự hào. “Nghèn nghẹn” vì thương đồng đội, “tự hào” vì
đồng đội đã hi sinh bảo vệ đảo, về sự đổi thay của hoàn đảo. (0,5 điểm)
Câu 7:
-
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn là câu hỏi tu từ.
- Tác dụng: Nhân
mạnh được tình cảm của tác giả với những người lính đảo (0,25 điểm)
Câu 8: - Bày tỏ được suy nghĩ chân thành sâu sắc về trách nhiệm của thế
hệ trẻ trong đó có bản thân với việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm) Biết tự khẳng định
mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.
a. Đảm bảo cấu
trúc bài văn nghị luận:
Có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nên
được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25
điểm)
b. Xác định đúng
vấn đề cần nghị luận:
Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết
đối với mỗi con người trong cuộc sống hôm nay. (0,5
điểm)
c. Triển khai vấn
đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp
chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Giải thích: Từ việc giải thích các cụm từ biết tự khẳng định
mình và đòi hỏi bức thiết, học sinh nêu khái quát nội dung ý kiến (0,25 điểm)
- Bàn luận: (1,25 điểm)
+
Khẳng định ý
kiến nêu ra đúng hay sai,
hợp lí hay không hợp lí
+ Bày tỏ thái độ, suy nghĩ về ý kiến bằng những lí lẽ dẫn chứng
phù hợp, có sức thuyết phục.
- Bài học nhận thức và hành động: Rút ra bài học cho bản thân (0,25 điểm)
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, bày tỏ suy nghĩ sâu
sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận (0,25
điểm)
e.
Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25
điểm)
Đảm bảo các quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
Câu 2 (4,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị
về sự thay đổi của nhận vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó bình luận ngắn
gọn về tư tưởng nhân đạo mà nhà văn Kim Lân đã gửi gắm trong truyện ngắn Vợ
nhặt.
a. Đảm bảo cấu
trúc bài văn nghị luận
Có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài
nên được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25
điểm)
b. Xác định đúng
vấn đề cần nghị luận
Sự thay đổi của nhận vật Tràng trong đoạn trích
và tư tưởng nhân đạo mà nhà văn Kim Lân đã gửi gắm trong truyện ngắn “Vợ nhặt” (0,5
điểm)
c. Triển khai vấn
đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt
các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nhân vật Tràng (0,5 điểm)
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nhân vật Tràng (0,5 điểm)
- Cảm nhận về sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn trích:
Sung sướng vì cảm giác hạnh phúc; nhận ra xung quanh mình có sự thay đổi mới
mẻ, khác lạ; trong lòng dậy lên tình cảm yêu thương, gắn bó với căn nhà và thèm
muốn một cảnh gia đình hạnh phúc; thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của người
chồng, người cha, người làm chủ gia đình…; nghệ thuật xây dựng nhân vật. (1,25
điểm)
- Bình luận giá trị nhân đạo của tác phẩm: (0,75 điểm)
+ Khám phá sức sống, khát vọng hạnh phúc, nâng niu trân trọng, ca
ngợi vẻ đẹp của tâm hồn con người.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, bày tỏ suy nghĩ sâu
sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận 0,5
điểm)
e. Chính tả, dùng
từ, đặt câu
Đảm bảo các quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm)
Thầy giáo Ngữ văn Đặng Ngọc Khương
Trước hoặc ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, các bạn thí sinh và phụ huynh có thể đăng kí nhận điểm thi THPT quốc gia 2016 qua tin nhắn, chi tiết xem TẠI ĐÂY
tradiemthituyensinh.com chúc các bạn thí sinh thi tốt - đỗ điểm cao!
loading...
0 nhận xét Blogger 0 Facebook