Kính thưa Bộ trưởng,
Tôi là một giáo viên (GV) THPT tại Hà Tĩnh, đã được tuyển dụng và công tác trong ngành giáo dục từ năm 1995 đến nay. Trước đây, tôi thuộc biên chế giáo dục, nhưng sau khi thực hiện Luật Viên chức, Hà Tĩnh đã thực hiện việc ký hợp đồng làm việc với GV.
Tôi đã ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với Hiệu trưởng. Như vậy, tôi cũng là một GV làm theo chế độ hợp đồng. Nay nghe tin Bộ trưởng tuyên bố sẽ "bỏ biên chế", rồi "chuyển sang hợp đồng" đối với GV, không hiểu chúng tôi sẽ được chuyển sang loại hợp đồng nào, nếu tuyên bố trên được thực hiện?
Phải chăng, chúng tôi sẽ được chuyển sang loại "Hợp đồng lao động"?
Nếu vậy, các chế độ chính sách đối với GV được thực hiện như thế nào, có đảm bảo hay không? Nhất là đối với các chế độ ưu đãi như phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên? Rồi mã ngạch viên chức?
Trong khi, với Hợp đồng làm việc theo Luật Viên chức, đã quy định rõ là GV sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng khi 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ luật Lao động cũng quy định, chủ sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong trường hợp người lao động "thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng".
Nghĩa là, trong nội dung các điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thì hai loại hợp đồng nói trên đều tương đương.
Với "Hợp đồng làm việc" theo Luật Viên chức, đã có đầy đủ các điều kiện, quy định để chấm dứt công việc đối với những người yếu kém, vi phạm; chứ không còn định biên như trước, và ai đã vào "biên chế" thì dù có kết quả công việc như thế nào, vẫn không hề hấn gì.
Vậy không hiểu, Bộ trưởng muốn chuyển chúng tôi sang loại Hợp đồng khác, để làm gì?
Mặt khác, GV chúng tôi đã trải qua nhiều hoạt động "thí điểm" của Bộ GDĐT, từ chương trình phân ban, đổi mới chương trình, sách giáo khoa và gần đây nhất là 'thí điểm" chương trình VNEN.
Chương trình VNEN tại Hà Tĩnh và một số địa phương khác, mặc dù được ghi rõ là 'thí điểm", song lại được triển khai ồ ạt.
GV không được đào tạo, nhà trường chưa đầy đủ về cơ sở vật chất, học sinh chưa quen với phương pháp học tập mới, phụ huynh cũng rất bỡ ngỡ.
Học sinh lúng túng; nhiều nơi phụ huynh "kêu trời" vì con "càng học càng kém".
Kết quả là, sau khi "trống giong cờ mở", chương trình đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía phụ huynh học sinh.
Bộ GDĐT cũng đã ban hành văn bản, nêu rõ là chỉ tiến hành "thí điểm" VNEN dựa trên cơ sở tự nguyện.
Đến nay, nhiều trường vẫn tiếp tục "thí điểm" VNEN, không dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh, trong trạng thái không biết khi nào thì kết thúc.
Hậu quả của việc "thí điểm" theo phong trào và vì thành tích nói trên, cho đến nay, chưa có cán bộ quản lý giáo dục nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Mong Bộ trưởng hãy xem xét lại những dự án 'thí điểm" của ngành giáo dục, trước khi tiến hành "thí điểm" chủ trương mới.
Chúng tôi không sợ đổi mới, nhưng chúng tôi muốn ổn định, yên tâm công tác để lo tập trung cho công việc chuyên môn; thay vì nơm nớp bị đuổi việc, bởi sự thay đổi "xoành xạch" của các quy định, cơ chế.
Thưa Bộ trưởng, GV chúng tôi sợ "thí điểm" lắm rồi.
Theo laodong.com.vn
loading...
0 nhận xét Blogger 0 Facebook