Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2018, mới đây Bộ GD-ĐT có văn bản
gửi tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương
án thi THPT Quốc gia 2018. Và những nỗi lo lại ùa về trong mỗi cô cậu học trò
cuối cấp.
Học sinh bối rối trước 2 phương án dự kiến
Ngay từ khi bước vào cấp 3 Nguyễn Ngọc Ánh (học sinh lớp 12,
trường THPT Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã cùng các bạn lên kế hoạch
học tập cũng như định hướng trong việc chọn trường, chọn nghề sau khi hết phổ
thông. Tâm trạng lo lắng và có chút bối rối Ngọc Ánh chia sẻ: “Ngay từ khi bước
vào lớp 10, em thấy các anh chị cuối cấp lúc đó đã phải thay đổi từ phương án
thi, cách thi. Lúc đó, em cảm thấy an tâm và nghĩ đến thời điểm mình sẽ cứ thế
mà thi và Bộ đã chốt phương án tối ưu nhất rồi. Thế nhưng, mùa tuyển sinh đại
học vừa rồi nhiều anh chị khóa trên thi 29,25 điểm vẫn trượt trường Y hay 30,5
điểm mới vào được trường Học viện An ninh nhân dân. Trước em “ôm giấc mơ” vào
Học viện An ninh nhân dân nhưng giờ phải chuyển hướng”.
Cũng tâm trạng như Ngọc Ánh, Nguyễn Vân Anh (học sinh lớp 12
trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho biết: “Nhắc đến phương án thi, lấy ý kiến...
mà cả lớp em loạn cả lên. Giờ lên lớp học chính, học thêm bạn nào cũng chủ đề
phương án thi, không biết liệu Bộ GD-ĐT sẽ chốt phương án nào? Nhưng em vẫn
mong là Bộ GD-ĐT giữ nguyên phương án như ban đầu. Còn đề thi thì nên mang tính
phân loại cao hơn”.
Phụ huynh mong Bộ sớm chốt phương án thi
Có con trai đầu năm nay vào cuối cấp, gia đình chị Nguyễn Mai
Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn bám sát những thông tin mới nhất về tuyển sinh
nhất là khi nghe báo, đài đưa tin về Bộ GD-ĐT đưa ra dự kiến phương án cho kỳ
thi THPT Quốc gia 2018. Chị Phương chia sẻ: “Năm nay Bộ GD-ĐT đưa ra phương án
gửi các trường lấy ý kiến sớm hơn những năm trước đó là điều đáng mừng. Nhưng
một số điều chỉnh mới môn tổ hợp của phương án hai của cũng khiến tôi lo lắng.
Bởi các con bắt đầu học theo khối từ năm lớp 10 rồi, đến lớp 12 gần như các con
đã có khối chủ đạo cho mình rồi, nếu giờ thay đổi thi theo tổ hợp môn tôi e
rằng các con rất vất vả”.
Không nên vội áp dụng những phương án mới mà hãy phát huy những
thế mạnh của phương án thi THPT quốc gia năm 2017, đồng thời khắc phục những
hạn chế của năm 2017 đó cũng là mong muốn của chị Trần Thị Lài (319 Vĩnh Hưng,
Hà Nội).
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016 - 2017, Phó Thủ tướng
Vũ Đức Đam có đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học 2017 cũng
đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các trường “xem lại” về phương án tổ chức 2 bài thi tổ
hợp. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc tổ chức thành 3 môn thi tách biệt thực
chất là giúp các trường đại học, cao đẳng thuận lợi trong xét tuyển nhưng lại
khiến công tác ra đề, tổ chức thi cho tới chấm thi trở nên phức tạp trong khi
thí sinh lại mệt mỏi vì phải thi 3 môn thi liên tiếp trong cùng một
khoảng thời gian.
Nên giữ nguyên phương án như 2017
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng phòng
Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, Bộ nên cố gắng giữ kỳ thi THPT
quốc gia 2018 ổn định như kỳ thi năm 2017, để học sinh và giáo viên có thời
gian chuẩn bị, đỡ gây xáo trộn cũng như làm khó học sinh.
PGS Nhã đã thẳng thắn nhìn vào thực trạng hiện nay, ông dẫn chứng:
“Ở các nước Châu Âu, hàng chục năm không thay đổi, người ta mới nhớ, mới có
thói quen không bị nhỡ tàu. Việc đơn giản mà làm rối mù, phức tạp thì chẳng có
hiệu quả, chỉ khổ học sinh. Đồng thời, cứ thay đổi như thế này thầy trò chưa
kịp nhớ đã phải quên; món ăn chưa thấy béo bổ đã đem đổ sọt rác; vừa tốn kém,
vừa mất công”.
PGS Nhã đề nghị “Bộ GD-ĐT chỉ làm quản lý nhà nước; các Sở giáo
dục phải lo thi tốt nghiệp THPT; các hiệu trưởng bậc đại học, cao đẳng họ phải
lo thi tuyển sinh. Việc cần làm lúc này là Bộ GD-GD và cả Chính phủ, chỉ cần
chỉ đạo làm tuyển sinh cho tốt, cho có chất lượng, rồi có kiểm tra, đôn đốc, hỗ
trợ”.
Thầy Lại Tiến Minh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội
chia sẻ: “Khi mà Bộ GD-ĐT đưa ra việc trộn các môn lại chứng tỏ Bộ GD-ĐT đã có
phương án, nhưng chỉ có điều là thời điểm nào đưa ra cho phù hợp với học sinh.
Đồng thời, Bộ cũng không ghép một cách cơ học như trước nữa. Tôi cũng nghĩ,
phương án trộn lại đang là xu hướng hiện nay, mà nhiều nơi trên thế giới đã
làm”.
Tuy nhiên, thầy Minh
cũng mong muốn Bộ GD-ĐT nên làm như thế nào để học sinh đỡ bị sốc. “Bây giờ mà
áp dụng ngay thì rất là sốc cho học sinh, thậm chí là vội vàng nếu áp dụng ngay
trong năm nay. Bộ nên lùi lại đã để học sinh và giáo viên có thời gian chuẩn bị
kiến thức cũng như ngân hàng đề thi để học sinh và giáo viên có tài liệu tham
khảo”.
Theo LĐO
loading...
0 nhận xét Blogger 0 Facebook