Rèn luyện kỹ năng làm bài trắc
nghiệm, hướng dẫn học và ôn thi môn tiếng Anh: Theo nguyên tắc tự luận là nền tảng của trắc nghiệm, với phương châm là muốn biết
phải hỏi, muốn giỏi phải học, luôn luôn học hỏi
1. Phân tích cấu trúc
đề thi trắc nghiệm tiếng Anh, thường bao gồm các phần sau:
+ Ngữ âm: trọng âm chính (Stress) và
phương thức phát âm (Phonetics).
+ Từ vựng và ngữ pháp: dạng của từ
(Word Formation), đại từ (Pronoun), giới từ (Preposition), từ nối
(Conjunction), cụm động từ (Phrasal Verb), cách sử dụng từ (Word Choice/
Usage), các cấu trúc câu, từ/ngữ thực hiện chức năng giao tiếp (Speaking…).
+ Đọc hiểu: chọn câu trả lời về bài
đọc; chọn từ hoặc cụm từ để hoàn thành bài văn.
+ Viết: chữa lỗi sai; hoàn thành câu
bằng một mệnh đề hay một cụm từ; chọn một câu hoàn chỉnh từ những từ cho
sẵn hay chọn câu gần nghĩa nhất với câu đã cho.
2. Cách học và ôn
thi môn tiếng Anh hiệu quả cao:
2.1. Làm các bài ôn tập, củng cố
theo hình thức tự luận
Học sinh nào có ý nghĩ rằng thi trắc
nghiệm thì không cần phải luyện tập các bài tập tự luận sẽ là sai lầm lớn,
bởi chính qua việc làm các bài tập tự luận như điền vào chỗ trống, cho dạng
đúng của từ (Word Formation), chuyển câu (Transformation)… mà các em nắm được
đúng các cấu trúc ngữ pháp, mở rộng và làm giàu được vốn từ của mình để có
những lựa chọn chính xác, tránh được những cái “bẫy” trong bài thi trắc nghiệm.
Chính vì thế, lời khuyên đầu tiên là
các em không nên ngại hoặc lười làm các bài ôn tập, củng cố theo hình thức tự
luận, nhất là các em còn chưa vững. Dĩ nhiên, sau khi đã ôn tập khá vững vàng
về các phần từ ngữ, cấu trúc chủ điểm rồi, các em có thể hoàn toàn yên tâm
chuyển trọng tâm, dành nhiều thời gian hơn để rèn luyện trắc nghiệm. Bên cạnh
đó, em nào nhận thấy mình còn chưa vững ở phần nào thì nên chú trọng ôn luyện
kỹ phần đó hơn.
2.2. Ôn tập đầy đủ theo chương trình đã học
Trong chương trình tiếng Anh
THPT, học sinh được học và ôn tập theo chủ đề. Ví dụ như chủ đề về môi
trường, thể thao, các em nên ôn tập hệ thống lại theo các chủ đề đó trong cả ba
năm lớp 10, 11 và 12 để củng cố, tăng cường cho phần từ vựng cũng như có
cái nhìn bao quát về các cấu trúc ngữ pháp, cụm từ, thành ngữ… thông qua các
bài tập đã được sách giáo khoa cung cấp như phần Word Study, Language Focus,
Consolidation. Phần phát âm (Pronuciation), học sinh nên xem lại toàn bộ các từ
vựng ở phần Glossary.
2.3. Chú ý những lỗi ngữ pháp thường gặp, những điểm bản thân mình
cho là mới lạ
Những cấu trúc ngữ pháp chủ đạo học
sinh cần phải nắm vững vì hay gặp sai sót là: sự hòa hợp giữa chủ từ và
động từ (Subject-verb Agreement), dạng và thì của động từ (Verb Forms and
Tenses), câu điều kiện (Conditional Sentences), câu tường thuật (Reported
Speech), các loại mệnh đề trạng ngữ (Adverbial Clauses), thể bị động (Passive
Form), mệnh đề quan hệ (Relative Clauses), đảo ngữ (Inversion)…
Khi ôn tập cũng như trong quá trình
làm bài tập, các em cần lưu ý và ghi chú cụ thể (có thể bằng cả ví dụ nếu cần
thiết) những điểm ngữ pháp, những từ ngữ, thành ngữ nào mình học thêm được từ
bài giảng hoặc bài tập.
Việc ghi chép nên thật cẩn thận sao
cho dễ nhìn, dễ nhớ, dễ ôn tập lại để tiết kiệm thời gian và tăng tính hiệu
quả. Chẳng hạn các em nên có một bảng hệ thống lại các giới từ đi kèm với các
danh từ, động từ, tính từ thường gặp; các thành ngữ (Idioms), các cụm động từ
(Phrasal Verbs) phổ biến; bảng cấu tạo từ (Word Formation) của các từ chủ
điểm…
2.4. Văn ôn võ luyện là thượng sách
Thành ngữ tiếng Anh có câu: Practice
makes perfect. Quả đúng như vậy, không thể nói đến chuyện có thành tích cao
mà không có việc chăm chỉ luyện tập. Nếu muốn đạt điểm cao, không gì hơn là
chính các em phải tự lên kế hoạch tự ôn luyện cho mình một cách nghiêm túc và
phải làm đúng kế hoạch.
Hiện tại các em có thể tìm được
khá dễ dàng nhiều nguồn bài tập để luyện tập thêm bao gồm cả tự luận và trắc
nghiệm tại các nhà sách, các trang mạng... Tùy theo nhu cầu và trình độ của
mình, các em có thể tìm được rất nhiều các dạng bài tập phù hợp để ôn luyện về
từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, đọc hiểu… các đề thi thử tốt nghiệp, đại học và cao
đẳng.
Các em nên chủ động tìm hiểu để lựa
chọn hoặc tham khảo ý kiến giáo viên bộ môn tiếng Anh của mình để được hướng
dẫn thêm.
2.5. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học, luôn luôn học hỏi
Hầu hết sách bài tập ôn luyện đều có
sẵn đáp án, các em nên tự làm rồi sau đó đối chiếu với đáp án. Đừng ngại
nếu phải lật đi lật lại để xem lại một phần ngữ pháp, từ vựng, phải tra cứu qua
từ điển hay hỏi bài từ bạn bè, thầy, cô. Cái gì không hiểu nên tranh thủ hỏi
ngay, nếu không mình sẽ không bao giờ hiểu rõ và an tâm về vấn đề đó.
Điều này cũng đúng với việc thực
hành các bài tập trên các trang mạng. Hãy đánh dấu những phần không hiểu, những
phần mình còn làm sai và hỏi ngay thầy, cô hoặc bạn bè nếu bản thân không
thể tự giải đáp được.
3. Rèn luyện kỹ năng làm
bài trắc nghiệm
Hình thức thi trắc nghiệm
thật sự là một cuộc đua về thời gian nên các em không nên dừng lại quá lâu
ở bất cứ câu hỏi nào.
Trước khi đặt bút làm bài, các em
nên đọc kỹ đề bài để có định hướng sơ khởi về độ khó, những phần có thể làm
được ngay trong khả năng của mình (thường là các câu ở phần từ vụng và ngữ
pháp), những phần mình sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn như phần đọc hiểu
(Reading), phần viết lại câu…
Với những câu không biết chắc đáp án
chính xác, nên dùng phương pháp loại trừ để loại bỏ càng nhiều phương án
sai càng tốt. Không nên mất nhiều thời gian vào những câu hỏi mình không rõ.
Tuyệt đối không nên để trống một câu
nào. Kể cả với những câu không thể trả lời được cũng nên đánh dấu vào một trong
các phương án, bởi nếu may mắn các em có thể trả lời đúng, còn để trống
thì câu đó chắc chắn bị mất điểm.
Ở đây, hơn ai hết chính các em
nên tập luyện trước bằng nhiều bài thi thử có canh thời gian chính xác để tự
mình trải nghiệm xem phần nào mình hay mất thời gian nhất, phần nào mình làm
hiệu quả nhất với thời lượng đề thi cho phép để rút kinh nghiệm, quen dần với
áp lực thời gian khi làm bài thi chính thức.
Ở phần đọc hiểu, học sinh nên luyện
tập thật nhiều để quen với các dạng câu hỏi thường ra như câu hỏi về ý chính
(Reading for main ideas), câu hỏi về các sự kiện chi tiết, cụ thể (Reading for
details), câu hỏi suy luận (Reading for Inferences), câu hỏi về ngữ nghĩa của
từ ngữ trong bài đọc (Guessing Vocabulary from the context)…
Theo Ths PHẠM THANH YÊN - GV tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần
Đại Nghĩa, TP.HCM
--------------------------------
Xem thêm:
loading...
0 nhận xét Blogger 0 Facebook