Hồi mới biết dùng Facebook, ngày nào tôi cũng phải cập nhật trạng thái. Không phải do mình thích thể hiện cũng chẳng phải do mình muốn sống ảo mà tại “thằng Facebook” nó cứ hỏi mình: “Bạn đang nghĩ gì?”. Thế là lại phải trả lời “nó” mà đăng lên. Vui buồn, bực tức, có bao nhiêu trong đầu là bày ra hết cho thiên hạ đọc.
Nhưng giờ thì chắc chẳng dám trả lời “thằng Facebook” đó nữa vì sợ một ngày lại bị kiểm điểm. Tính mình vốn không mềm mại, thời tiết thì càng ngày nóng bức, dễ sinh bực bội mà cứ “trả lời thằng Facebook” rằng “bạn đang nghĩ gì” thì dễ “phím sa gà chết” lắm.
Biết bao vụ “cóc chết tại miệng” nên phải rút kinh nghiệm cho mình. Nào vụ hàng loạt cán bộ bị xử phạt vì “có thái độ không tích cực” với Chủ tịch tỉnh An Giang, nay ở Long An lại có vụ học sinh lớp 12 bị kiểm điểm vì “chê” bệnh viện phục vụ không tốt trên Facebook.
Cụ thể, một học sinh tại trường THPT Kiến Tường (Long An) từng bị tai nạn, phải nhập viện để điều trị. Ngày 5/3, em viết vài dòng “suy nghĩ” về thái độ của cán bộ y tế, nhân viên trong bệnh viện. Ngày 6/3, nhà trường đã gọi em lên để làm việc và em đã xóa nội dung trên trang cá nhân đó đi. Đến ngày 16/3, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định kỷ luật học sinh với hình thức khiển trách, lý do: Vi phạm điều 41 Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT ngày 28/3/2011 của bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ trường THPT.
Cụ thể: Có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười trên mạng xã hội Facebook.
Thật lạ là một sự việc diễn ra bên ngoài nhà trường và em học sinh đó đánh giá thái độ của những cán bộ bệnh viện trên tư cách một bệnh nhân – người “bỏ tiền” ra để sử dụng dịch vụ mà nhà trường lại can thiệp xử lý. Phải chăng đã có sự lạm quyền ở đây?
Vả lại, muốn kỷ luật thì phải chứng minh được những điều mà em học sinh trên viết ra là vu khống, bịa đặt. Bởi nếu như những gì em học sinh nói là chính xác thì đó chỉ đơn thuần là việc “phản ánh” sự thật (kèm theo bình luận) chứ em không hề bôi nhọ uy tín của đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười. Nếu uy tín của những người đó có bị ảnh hưởng, suy giảm thì âu cũng do họ tự đẩy mình vào “con đường” đó thôi.
Đương nhiên, khi chưa biết thực hư mọi chuyện thế nào thì việc kỷ luật học sinh đó mang đậm tính phiến diện, khắt khe và có phần vô lý.
Trên lớp thì các thầy cô luôn dạy học sinh phải có tư duy phản biện, phải thẳng thắn, trung thực. Ấy vậy mà khi các em “phát biểu ý kiến” của mình trên mạng xã hội thì lại gặp ngay một “bản án” như trên.
Không biết sau sự việc này, còn học sinh nào dám “phát biểu” ý kiến, dám phản ánh những điều tiêu cực trong cuộc sống nữa? Phải chăng các em học sinh cứ phải “bằng mặt không bằng lòng”, phải tả đúng “ông bà em” theo chuẩn văn mẫu, phải phát biểu đúng theo ý của giáo viên thì mới được hạnh kiểm tốt?
Thôi thì mọi chuyện cũng đã rồi, giờ chỉ biết nhìn vào phần tích cực mà an ủi em học sinh đó rằng “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Với mức kỷ luật như thế, chắc chắn sau này khi đã trưởng thành, em sẽ luôn biết “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” và kèm theo đó, những chuyện vạ miệng đương nhiên sẽ ít xảy ra.
Bảo Trang - nguoiduatin.vn
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
loading...
0 nhận xét Blogger 0 Facebook