Việc bất cập trong cách tính điểm ưu tiên và làm tròn theo tiêu chí phụ của một số trường khiến nhiều thí sinh được điểm cao hơn chuẩn trúng tuyển mà vẫn trượt, gây bức xúc trong dư luận.
Có “bất công” trong tính điểm làm tròn?

Đó là trường hợp của thí sinh V.H.H ở TP.Hồ Chí Minh. H có điểm thi 29,35 ( không thuộc đối tượng ưu tiên) và nguyện vọng vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh. Ngay sau khi trường công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển, H “té ngửa” vì không hiểu tại sao điểm trúng tuyển ngành này là 29,25 nhưng em vẫn trượt.
Nguyên nhân sau đó được giải thích là điểm của em được thực hiện theo quy tắc làm tròn điểm của quy chế tuyển sinh. Như vậy, điểm của H được làm tròn thành 29,25 điểm (đúng bằng điểm chuẩn). Tuy nhiên, vì trường có quá nhiều thí sinh có mức điểm 29,25 nên đã đưa ra tiêu chí phụ để loại bớt thí sinh.
Thật không may, tiêu chí phụ của Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh đặt ra lại lấy điểm môn ngoại ngữ từ cao xuống thấp. Theo đó, điểm chuẩn tiêu chí phụ môn ngoại ngữ là 9, trong khi H chỉ đạt 8,8 điểm nên em… trượt. H cho biết nếu trường lấy điểm gốc làm tiêu chí phụ thì với mức 29,35 cao hơn điểm chuẩn, chắc chắn em sẽ đỗ. Nhưng với cách tính điểm này, những thí sinh có tổng điểm thấp hơn em nhưng có điểm ngoại ngữ cao hơn lại đỗ.
Cũng ngành y đa khoa, tại ĐH Y Hà Nội, một thí sinh khác có điểm chuẩn 29,15 (được làm tròn lên 29,25) nhưng không trúng tuyển dù điểm chuẩn của trường đúng bằng điểm làm tròn. Lý do cũng xuất phát từ tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội là tổng điểm 3 môn toán, hóa, sinh (không nhân hệ số, làm tròn) + điểm ưu tiên + điểm khuyến khích. Tuy nhiên, thí sinh này hộ khẩu Hà Nội không có điểm ưu tiên. Điều này khiến em thua các bạn chỉ cần đạt 25,75 điểm nhưng có ưu tiên và điểm khu vực (3,5 điểm).
Theo các chuyên gia giáo dục, với mặt bằng kết quả thi cao như năm nay, quy định làm tròn đến 0,25 điểm đã khiến cho nhiều thí sinh có cùng một mức điểm và gây khó khăn trong việc xét tuyển của các trường “top”. Điều này bắt buộc các trường phải đưa ra tiêu chí phụ để loại thí sinh. Tuy nhiên, các tiêu chí phụ của nhiều trường không ưu tiên điểm tổng gốc chưa làm tròn của thí sinh đã khiến các em có điểm làm tròn xuống bị thiệt thòi so với những thí sinh có điểm làm tròn lên. Ví dụ thí sinh đạt 26,9 điểm làm tròn lên 27 có thể sẽ được lợi thế hơn thí sinh đạt 27,1 làm tròn về 27 nhờ điểm môn phụ cao hơn.
Cần điều chỉnh quy định ưu tiên xét tuyển
Giải thích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong quy chế tuyển sinh đã quy định làm tròn 0,25 tổng điểm 3 môn thi để tính điểm xét tuyển. Trong trường hợp cuối danh sách còn nhiều thí sinh bằng điểm nhau thì trường sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển.
Theo ông Ga, việc làm tròn 0,25 điểm hay không làm tròn mà lấy điểm 2 số thập phân cũng đã được thảo luận nhiều khi soạn thảo quy chế tuyển sinh. Nếu không làm tròn thì chênh lệch mức điểm là 0,01 đối với tổng 3 môn thi là quá bé, rất khó phân biệt chính xác trình độ thí sinh.
“Vì thế quy chế giao cho các trường đưa ra các tiêu chí phụ, ví dụ trường có thể chọn thí sinh tổng 3 môn thấp hơn 0,01 điểm nhưng có điểm toán cao hơn nếu thấy rằng kiến thức môn toán cần thiết cho ngành học… Tuy nhiên trong thiết kế phần mềm, Bộ vẫn đưa ra tiêu chí phụ đối với trường hợp thí sinh bằng điểm nhau sau khi đã làm tròn 0,25 ở cuối danh sách thì trường có thể quay về điểm gốc trước khi làm tròn để xét tuyển. Các trường tự quyết định có chọn tiêu chí phụ này hay không” – ông Ga nói.
Nói về quy định điểm ưu tiên, ông Ga cho rằng, quy định cộng điểm khu vực trong tuyển sinh là quy định rất nhân văn. “Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, không còn trong danh sách các địa phương khó khăn thì việc cộng điểm ưu tiên cũng sẽ được điều chỉnh giảm” – ông Ga nói.

Tuy nhiên, TS Lê Hữu Lập – nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông thì cho rằng, những năm trước khi phổ điểm giữa đỗ và trượt chênh lệch nhau lớn thì điểm ưu tiên không vấn đề gì. Nhưng năm nay, khi điểm thi cao, chênh lệch chỉ 0,1-0,05 điểm giữa đỗ với trượt thì đây rõ rằng là câu chuyện của việc ra đề. Người đỗ chênh lệch điểm với người trượt không nhiều thì điểm ưu tiên tác động mạnh đến kết quả. “Có hai cách để khắc phục việc này, một là khâu ra đề cần có sự phân hóa hơn để những em đạt 23 - 24 là đỗ đại học. Thứ hai, nếu vẫn giữ cách ra đề thi như năm nay thì nên điều chỉnh mức độ ưu tiên”–ông Lập đề xuất. /.
Theo Danviet
loading...

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Subscribe to: Posts (Atom)

 
Kho Luận văn - Tiểu luận ©Email: tradiemthituyensinh@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|Soidiemchontruong|inluon|Tài liệu|Hoctrenmobile|SKKN|Tử vi|Science
Link:Bantintuvan|khoahocsupham|SKKN hay|Soidiemchontruong|dayvahoctot|diemthivao10hoctrenmobile|tradiemthituyensinh|How to best
Link:Game|Game|Loans|Insua
Top