Một bên là lương tâm của người thầy, một bên là “nhờ cậy” mà thực ra là sự chỉ đạo từ cấp trên. Và, gần như những giáo viên chấm phúc khảo đều phải…phục tùng.

LTS: Trước thực trạng oan sai, trắng đen lẫn lộn trong việc chấm thi của một số thầy cô, ở bài viết này, tác giả Thanh An người đang trực tiếp làm việc trong ngành giáo dục đã mạnh dạn đề cập đến những “góc khuất” trong việc chấm phúc khảo của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay.
Theo đó, tác giả cho rằng: Chính những “góc khuất” này đã được một số người có chức có quyền tận dụng để tạo ra cơ hội cho con em hoặc người thân của họ!
Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả bài viết trên báo Giáo dục Việt nam sau đây:
Khi các trường công bố điểm thi Tuyển sinh 10, nhiều em học sinh đã gọi điện cho tôi để nhờ tư vấn có nên nộp đơn xin phúc khảo bài thi của mình hay không. Nhất là những em chỉ cách điểm đỗ từ 0,25 đến 0,5 điểm. 
Là người thầy dạy các em, tôi chỉ biết khuyên các em là: "thầy cô chấm đã chính xác, các em không cần phải phúc khảo bởi vừa tốn tiền mà kết quả cũng chẳng thể nào thay đổi được".
Từ thực tế mà mình đã chứng kiến, cùng với sự tìm hiểu từ nhiều đồng nghiệp từng tham gia chấm phúc khảo nên tôi tin nếu không có “tác động” của một ai đó thì các em đừng hi vọng điều gì từ việc chấm phúc khảo.
Như chúng ta đã biết, sau mỗi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hay thi Tuyển sinh vào lớp 10 bao giờ cũng vậy, sẽ có nhiều em học sinh làm đơn xin phúc khảo bài thi của mình để hi vọng được đủ điểm vào các trường mà mình yêu thích. 
Tuy nhiên, có một thực tế là sau khi chấm phúc khảo thì đa số các bài kiểm tra vẫn giữ ở mức điểm cũ, thậm chí là có bài thi bị hạ điểm xuống, bởi khi phúc khảo thường có ít bài nên giáo viên chấm “rất kĩ”. Chỉ có một số em được nâng điểm cao hơn nhưng cực kì hiếm.
Chuyện chấm bài, nhất là chấm bài trong các kỳ thi tuyển bao giờ cũng rất căng thẳng và đòi hỏi tính chính xác cao. Những môn tự nhiên thì dễ nhưng đối với môn xã hội thì sự căng thẳng hơn bao giờ hết.
Trong kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10, các địa phương hiện nay thường tổ chức thi 3 môn là Toán, Văn, Anh. Những trường chuyên thì thi thêm một số môn chuyên nhưng tỉ lệ thi của học sinh không nhiều. Việc chấm 3 môn đại trà với số lượng rất lớn, mỗi đợt chấm thi kéo dài đến cả tuần.
Về khâu chấm bài, thường thì mỗi bài thi có hai giám khảo chấm độc lập, theo đó các Sở sẽ bố trí một giáo viên bậc Trung học cơ sở và một giáo viên bậc Trung học phổ thông. 
Trước khi chấm bài, Hội đồng chấm thi sẽ phổ biến rất kĩ cách chấm, cách cho điểm, cách vận dụng linh hoạt giữa đáp án và thực tế bài thi của học sinh. Đồng thời, tổ chức chấm thử một số bài để làm “chuẩn” cho Hội đồng chấm thi. 
Sau đó, các giáo viên mới chấm độc lập với nhau. Khi chấm xong mỗi xấp bài thì hai giáo viên sẽ “so sánh” điểm với nhau.
Chấm những bài môn tự nhiên hay môn Tiếng Anh thì rất ít có sai sót về điểm số nhưng những môn xã hội, nhất là môn Văn thường có sự “lệch” điểm với nhau. Và, hai giáo viên đó sẽ thương lượng bằng cách chia đôi khoảng cách điểm để lấy điểm chung cho bài thi.
Quá trình ráp điểm cũng là một khâu vô cùng căng thẳng, bởi các bài thi sẽ bị rọc phách, khi chấm xong mới ráp lại và vào điểm. Trong quá trình vào điểm thì một người đọc và một người vào trên máy vi tính. 
Sự cẩn thận luôn được đề cao nhưng đôi lúc cũng có những sai sót trong quá trình nhập điểm (nhưng cực hiếm). Vì thế, một số em cảm thấy bài làm của mình rất tốt nhưng sau khi công bố điểm thấy thấp hơn rất nhiều so với dự kiến nên các em muốn phúc khảo thì “may ra” có cơ hội thay đổi được điểm số.
Khi học sinh có đơn xin phúc khảo thì điều tất yếu là bài thi đó sẽ được chấm phúc khảo. Tuy nhiên, nếu bài thi chấm phúc khảo mà điểm chênh lệch lớn thì các bước xử lý tiếp theo sẽ có thêm nhiều công đoạn.
Bởi, theo quy định hiện hành, nếu số điểm chấm thi lần đầu và điểm chấm phúc khảo có sự chênh lệch lớn thì giáo viên chấm lần đầu và giáo viên chấm phúc khảo phải đối chất với nhau. Mà việc tổ chức đối chất này rất khó, bởi giáo viên chấm thi thường được huy động trong toàn tỉnh nên đâu phải dễ dàng huy động họ lại ngay được.
Vì thế, việc chấm phúc khảo chỉ đơn thuần diễn ra giữa các giáo viên phúc khảo và các trưởng hội đồng chấm thi. Do vậy, người ta sẽ áp dụng giải pháp an toàn là giữ nguyên điểm cũ để không đụng chạm và gây phiền toái về sau. Chỉ có một số bài thí sinh được “chỉ đạo” nâng điểm thì điểm số mới thay đổi.
Thực tế, mỗi lần chấm phúc khảo đều có những lãnh đạo “nhờ cậy” cho thí sinh này, thí sinh kia. Đây thực sự là nỗi “day dứt” nhất đối với những giáo viên được điều đi chấm phúc khảo.
Một bên là lương tâm của người thầy, một bên là “nhờ cậy” mà thực ra là sự chỉ đạo từ cấp trên của mình. Và, gần như những giáo viên chấm phúc khảo đều phải…phục tùng cấp trên. 
Sau mỗi kỳ thi, bài phúc khảo sẽ được nâng điểm từ trượt thành đỗ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng, kết quả của kỳ thi sẽ có sự thay đổi vô cùng lớn đối với tương lai của một số em. Những em lẽ ra trượt nhưng nhờ phúc khảo thành ra thi đỗ và những em lẽ ra thi đỗ thì lại bị trượt…
Có lẽ, “góc khuất” như tôi đã trình bày ở trên chỉ là “cá biệt” ở một vài trường hợp trong cả nước. Tuy nhiên, hiện tượng làm đơn chấm phúc khảo để xin "nhờ cậy" vẫn đã và đang xảy ra. Chính những “góc khuất” này đã được một số người có chức có quyền tận dụng để tạo ra cơ hội cho con em hoặc người thân của mình!
Theo GDVN
loading...

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Subscribe to: Posts (Atom)

 
Kho Luận văn - Tiểu luận ©Email: tradiemthituyensinh@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|Soidiemchontruong|inluon|Tài liệu|Hoctrenmobile|SKKN|Tử vi|Science
Link:Bantintuvan|khoahocsupham|SKKN hay|Soidiemchontruong|dayvahoctot|diemthivao10hoctrenmobile|tradiemthituyensinh|How to best
Link:Game|Game|Loans|Insua
Top