Hà Nội: Áp lực đè nặng vai
Thi vào lớp 10 được coi là một cuộc cạnh tranh khốc liệt với tỷ lệ chọi hàng năm đều khá cao. Hàng năm, lượng thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 tại các thành phố lớn đều rất đông nhưng chỉ tiêu của các trường công lập thì có hạn. Thông thường, chỉ có khoảng 60% - 70% số thí sinh trúng tuyển vào các trường công lập. Năm 2018, số thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội cao đột biến, tăng 24.000 học sinh so với năm ngoái. Điều đó có nghĩa là năm nay Hà Nội sẽ có hơn 100.000 học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dự báo một cuộc cạnh tranh căng thẳng đang diễn ra.
Em Sỹ Minh - học sinh lớp 9 trường THCS Quỳnh Mai cho biết: Em thường phải đi học thêm 3 môn toán, văn, anh từ sáng đến tận tối. Mỗi môn học 2 buổi/ tuần. Mỗi buổi học là 1,5 đến 2 tiếng. Ngoài học ở trường và học thêm thì đêm về đến nhà em còn cần phải ôn lại bài đã học và hoàn thành bài tập mỗi ngày. Nói về khó khăn trước ngưỡng cửa thi cử, Minh chia sẻ: Em lo lắm, nếu trượt trường công lập thì bản thân em và gia đình rất buồn, vậy nên em sẽ cố gắng ôn luyện thật tốt để có thể vào được trường mình mong muốn.
Về lo lắng của giáo viên, cô Trần Thị Biển, giáo viên trường THCS Hà Hồi (huyện Thường Tín) cho biết: “Nhìn chung, điểm chuẩn vào các trường công lập tại huyện Thường Tín không cao như các trường thuộc nội thành. Tuy nhiên cả học sinh lẫn thầy, cô đều đang gắng sức ôn luyện cho kỳ thi sắp tới. Nhà trường đã tăng thêm 2 tiết/tuần cho mỗi môn toán và văn. Để có thể trúng tuyển vào trường công trên địa bàn huyện, các em cần phấn đấu đạt 5-6 điểm/môn. Nhiều em có sức học tốt thì lựa chọn thi tuyển vào các trường chuyên hoặc trường công tại nội thành Hà Nội, giảm bớt tỷ lệ cạnh tranh vào các trường công trên địa bàn huyện”.
Trước một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời con em mình, phụ huynh học sinh cũng có nhiều lo toan. Chị H.Nga (Q.Hai Bà Trưng), một phụ huynh có con trai đang là học sinh lớp 9 chia sẻ: “Tôi tin tưởng con mình sẽ đỗ trường vào trường cháu đã chọn nhưng không tránh được lo lắng. Để ôn thi vào lớp 10 thì con phải đi học thêm, học chính rất nhiều nên nghe các phụ huynh khác chia sẻ, tôi quan tâm hơn đến sức khỏe và tâm lý của con mình hơn. Thêm vào đó, học phí cũng là một vấn đề lớn. Mỗi buổi học có giá từ 150 nghìn – 200 nghìn đồng. Riêng tiền học thêm để ôn thi cho cháu đã tốn đến vài triệu đồng/ tháng. Khó khăn cũng phải cố vì thi vào lớp 10 quan trọng hơn cả thi đại học. Trượt đại học còn có thể đi làm chứ trượt lớp 10 công lập thì không lẽ nghỉ học mà học dân lập thì học phí khá cao”.
Còn anh Hùng (Q.Thanh Xuân) chia sẻ: Sức học con gái tôi khá tốt nên gia đình đặt nhiều kỳ vọng. Vì việc cạnh tranh vào các trường tốp trên rất khó nên cũng để con thoải mái lựa chọn trường. Bản thân con cũng tự lo nên vẫn phải học thêm nhiều, không dám lơ là. Con cái thi cử mà cả nhà như ngồi trên đống lửa.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Văn Đại- phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, những năm trước, Hà Nội phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh ở khu vực nào được đăng ký NV1, NV2 vào khu vực tuyển sinh đó. Lựa chọn nguyện vọng nào là quyền của thí sinh nhưng các chuyên gia cũng khuyên thí sinh nên tham khảo điểm tuyển sinh của các năm trước để lượng sức mình.
TP Hồ Chí Minh: Chú trọng công tác hướng nghiệp
Năm học 2017-2018, TP HCM có khoảng 105.000 học sinh học lớp 9, tăng hơn 20.000 em so với năm trước. Trong khi đó, theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập sẽ giảm khoảng 3% mỗi năm, đến năm 2020 còn khoảng 70% tổng số học sinh lớp 9 vào lớp 10 công lập (tỷ lệ này năm học 2017- 2018 là khoảng 77%). Số học sinh còn lại sẽ được tư vấn hướng nghiệp, phân luồng sang học các hình thức khác như giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập hoặc học nghề tùy theo năng lực.
Dù có nhiều hình thức học khác nhau, nhưng nhu cầu học trường công lập của phụ huynh và học sinh vẫn luôn cao, đại diện nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố đánh giá kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập năm nay học sinh sẽ chịu áp lực cạnh tranh hơn khi nhu cầu tăng nhưng chỉ tiêu tuyển sinh lại giảm dần, dự báo cuộc đua vào lớp 10 công lập sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Bên cạnh đó, học sinh cũng sẽ áp lực hơn khi đề thi năm nay tiếp tục có sự thay đổi theo hướng đưa chương trình liên môn và kiến thức thực tế vào đề thi nhằm đánh giá năng lực học sinh trong việc ứng dụng các kiến thức, kỹ năng phổ thông vào các tình huống thực tế.
Trao đổi kỳ thi, ông Ngô Văn Tuyên- trưởng phòng GDĐT Q.Bình Tân cho biết, các trường THPT trên địa bàn quận chỉ có thể đáp ứng khoảng chỗ học cho 70-80% tổng số học sinh lớp 9 trên địa bàn vào lớp 10. Vì vậy, cùng với lựa chọn các hình thức học khác, do nhu cầu học lớp 10 công lập của phụ huynh và học sinh vẫn còn cao, hàng năm nhiều học sinh trên địa bàn cũng chuyển sang các quận khác để được học trường công lập.
Ông Lê Duy Tân- trưởng phòng GD Trung học, Sở GDĐT TP HCM cho rằng, để giảm áp lực trong cuộc đua vào lớp 10 công lập các trường trung học cơ sở đẩy mạnh công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp, phân luồng để các em chọn đúng trường, đúng năng lực học tập của mình.
Do nhu cầu học lớp 10 công lập cao, vài năm qua, tại thành phố diễn ra tình trạng học sinh ở các quận trung tâm đăng ký thi tuyển vào các trường Trung học phổ thông ngoại thành (tỷ lệ chọi thấp hơn), sau đó trúng tuyển sẽ học một thời gian rồi xin chuyển về các trường nội thành học. Ông Nguyễn Văn Hiếu- phó giám đốc Sở GDĐT TP HCM cho biết, năm nay Sở sẽ siết chặt hơn công tác tuyển sinh nhằm đảm bảo học sinh chọn đúng nguyện vọng, đúng trường theo khả năng và điều kiện gia đình, tránh tình trạng trên xảy ra.
loading...
0 nhận xét Blogger 0 Facebook